Một số giải pháp nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định

Ngày: 11/07/2019

        Ngày 30 tháng 5 năm 2019 tại Hà Nội Ban Chấp hành Trung ương đã họp và đưa ra Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Để kích thích cán bộ, giảng viên trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) trong môi trường hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định cần có những yếu tố như: Tăng cường sự nhận thức của giảng viên, tác động và nuôi dưỡng các yếu tố tạo nên thành công trong NCKH, kết nối giữa NCKH vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tìm kiếm, khai thác những đề tài nghiên cứu mang tính chất đa ngành.

Báo cáo kết quả đề tài NCKH cấp bộ năm 2016

 

Tăng cường nhận thức của giảng viên: Để đạt được thành công trong NCKH yếu tố số một là: có năng lực nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học là tìm tòi, phát hiện sáng tạo ra tri thức mới, công nghệ mới. Vì thế, năng lực nghiên cứu là khả năng sáng tạo, phát hiện cái mới; tư duy thoáng, không rập khuôn, sao chép; khả năng đưa ra các giải pháp độc đáo và hiệu quả để giải quyết một vấn đề khó. Tuy nhiên yếu tố có năng lực nghiên cứu chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Nếu không có động lực nghiên cứu thì năng lực nghiên cứu sẽ không được kích hoạt, ngủ yên ở dạng tiềm năng. Có động lực nghiên cứu mới thôi thúc người ta nghiên cứu. Động lực càng mạnh mẽ thì năng lực nghiên cứu càng được phát huy tốt. Động lực nghiên cứu của một giảng viên, tùy thuộc vào mỗi người, có thể là: niềm đam mê, ham nghiên cứu tìm tòi cái mới, khát vọng muốn khẳng định bản thân, muốn hơn người khác, học hàm, học vị, lợi ích kinh tế,...

Tạo động lực cho công tác NCKH: Hiện nay, vấn đề khó khăn và nan giải nhất với Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định là: thu nhập của giảng viên trẻ còn thấp, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của nhiều ngành nghề khác, khiến họ không sống nổi bằng lương. Mỗi tháng họ chỉ được lĩnh vài triệu đồng tiền lương, nếu may mắn có đề tài, thì tiền đề tài mỗi năm quyết toán có một lần, cầm được tiền cũng chỉ để thanh toán các khoản đã phải ứng ra từ trước. Những người không có đề tài thì phải xoay sang những công việc khác để sinh tồn. Bên cạnh đó, một số giảng viên không đủ khối lượng giảng dậy nên phải xoay sở tìm kiếm công việc làm thêm tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

Trong hoàn cảnh như thế, giảng viên còn đâu thì giờ, tâm trí và sức lực để làm nghiên cứu. Nhà trường phải cố gắng tăng thu nhập cho các giảng viên với nguyên tắc: thu nhập tăng thêm nhiều hay ít phải tùy thuộc vào kết quả công tác nghiên cứu. Giảng viên làm nghiên cứu có chất lượng, có công bố trong nước, quốc tế phải có thu nhập tốt hơn so với giảng viên không làm nghiên cứu. Như thế mới công bằng và sự chênh lệch về thu nhập theo cách như vậy sẽ tạo ra động lực NCKH cho giảng viên.

NCKH ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định chủ yếu là Nghiên cứu cơ bản (NCCB). NCCB thì khó có thể thương mại hóa, khó bán ra thị trường. NCCB chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí từ các đề tài. Do vậy, Trường cần tăng kinh phí cho các đề tài đi đôi với việc đổi mới cơ chế xét duyệt và nghiệm thu, thanh quyết toán đề tài. Việc xét duyệt và cấp kinh phí đề tài cần nghiêm túc, minh bạch và được tiến hành bởi các hội đồng khoa học thực sự đảm bảo về chất lượng chuyên môn cũng như tính khách quan trong đánh giá. Việc nghiệm thu, thanh quyết toán nên theo cơ chế khoán sản phẩm. Sản phẩm đầu ra của một đề tài là quan trọng nhất, là thước đo hiệu quả của việc thực hiện đề tài. Cơ chế khoán sẽ giúp lược bỏ bớt những khâu trung gian, những thủ tục hành chính giúp cho các giảng viên tiết kiệm được thời gian và công sức để tập trung cho công tác nghiên cứu.

Kết nối giữa NCKH với doanh nghiệp: Kết nối NCKH với doanh nghiệp là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. NCKH và doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nghiên cứu khoa học là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng cho doanh nghiệp và ngược lại, chương trình đào tạo sẽ đặt ra những vấn đề mà NCKH phải đáp ứng. Sự tích hợp giữa NCKH và doanh nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, là một mũi tên bắn trúng nhiều đích.

Trên đây là một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH trong Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định. Những giải pháp này có thực hiện được tốt và mang lại kết quả hay không phụ thuộc vào các nhân tố: con người, nguồn tài chính và cơ chế quản trị nhà trường, trong đó yếu tố con người là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất và có tính quyết định./.

PHÒNG QLKH&ĐBCL

Nghiên cứu khoa học







Tin khác






Thống kê truy cập


Liên kết Website
Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định
Nam Dinh Industrial College
Cầu Giành - Km06 - QL 10 - Xã Liên Bảo - Huyện Vụ Bản - Tỉnh Nam Định
ĐT: 0228.3849581 - Fax: 0228.3843051
Email: CND@CND.edu.vn - Website: www.CND.edu.vn
© 1956 Copyright: CND.EDU.VN