Bảo hiểm y tế bắt buộc với học sinh - sinh viên: Không chỉ là luật mà còn là một chính sách an sinh
Ngày: 23/04/2018
Điều 58 cũng xác định Nhà nước và xã hội “thực hiện BHYT toàn dân” và Điều 15 quy định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Như vậy, Hiến pháp đã xác định rõ trách nhiệm nhà nước bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, người dân và xã hội cũng có trách nhiệm hay nghĩa vụ tham gia an sinh xã hội, cụ thể là BHXH, BHYT và BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở tư tưởng của Hiến pháp, tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHYT đã quy định: “BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.
I. ĐỐI TƯỢNG
- Tất cả học sinh, sinh viên (HSSV) đang học tại các trường và cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc.
- Đối tượng HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo thì đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình cận nghèo tại địa phương nơi cư trú.
- HSSV được cấp thẻ BHYT thuộc đối tượng thân nhân quân đội, công an, thân nhân người có công… thì không phải tham gia BHYT HSSV.
Do đó, HSSV là công dân Việt Nam, là đối tượng tham gia BHYT theo luật định thì đương nhiên phải có quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT theo quy định của pháp luật và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
II. MỨC ĐÓNG
- Theo quy định mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.300.000 đồng) và HSSV chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được ngân sách chi trả. (Mức lương cơ sở từ 01/07/2018 là 1.390.000 đồng).
Mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tương ứng với thời hạn sử dụng của thẻ BHYT
- Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho HSSV thuộc: hộ nghèo; hộ cận nghèo mới thoát nghèo (theo QĐ số 705/QĐ-TTg ngày 8/5/2013); người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…
- HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT; 30% mức đóng còn lại được Ngân sách của tỉnh và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ hỗ trợ.
Về trách nhiệm thu bảo hiểm y tế của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính cũng đã quy định: Đối với học sinh sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh sinh viên 6 tháng hoặc 1 năm một lần nộp vào quỹ bảo hiểm y tế ; Phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục do địa phương nào quản lý thì ngân sách địa phương đó hỗ trợ, không phân biệt hộ khẩu thường trú của học sinh sinh viên.
III. MỨC HƯỞNG
- HSSV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện quận,huyện và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp theo hằng năm;
- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường từ nguồn kinh phí của BHYT;
- Được thanh toán 100% chi phí KCB nếu tổng chi phí khám chữa bệnh 1 lần thấp hơn 15% mức lương tối thiểu. (điểm b khoản 1 Điều 22
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014);
- Được thanh toán 80% chi phí KCB khi đi đúng tuyến. Kể cả khi thực hiện KCB có dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu cho 1 lần sử dụng dịch vụ).
- Trường hợp cấp cứu được khám và điều trị ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và xuất trình thẻ y tế thì được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh theo quy định (khoản 2 Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014).
- Các trường hợp đi khám chữa bệnh không đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, có trình thẻ BHYT thì được thanh toán theo mức hưởng như sau:
+ Được thanh toán 70 % chi phí KCB tại các bệnh viện tuyến huyện và từ ngày 1/1/2016 thì sẽ được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh;
+ Được thanh toán 60 % chi phí điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh;
+ Được thanh toán 40 % chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện cấp trung ương.
- Các trường hợp đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế không ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì được thanh toán lại tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi tham gia nhưng mức tối đa không vượt quá quy định của Phụ lục 04
Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014
Trên thế giới, không có một quốc gia nào có đủ ngân sách nhà nước để chăm lo sức khỏe cho toàn bộ cộng đồng xã hội mà không phải huy động sự đóng góp từ các thành viên trong xã hội. BHYT là một chính sách tài chính y tế nhân văn lấy số đông bù số ít, người tham gia BHYT sẽ khắc phục khó khăn khi bị ốm đau, bệnh tật, tạm thời không có thu nhập từ lao động vì có quỹ BHYT do các thành viên trong xã hội đóng góp sẽ chia sẻ các chi phí KCB. Thực tế cho thấy, mặc dù không ai muốn nhưng bệnh tật, ốm đau không bao giờ được báo trước và chi phí điều trị mỗi lần không may bị ốm đau, bệnh tật có khi là rất lớn, ngoài khả năng chi trả của đa số các hộ gia đình. Không phải tự nhiên mà người ta gọi chi phí điều trị bệnh là “bẫy nghèo trong y tế”.
BHYT trước hết
là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân của mỗi người và sau đó là với cộng đồng, xã hội. Lứa tuổi thanh niên, Học sinh sinh viên cũng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, có sức khỏe tốt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ quỹ BHYT thì gánh nặng chi phí KCB sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình.
Do vậy, việc tham gia BHYT chính là cơ chế “bảo đảm an toàn” cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe. Thông qua việc tham gia, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, HSSV sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro sức khỏe xung quanh chúng ta và có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với chúng ta, từ đó góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước: Một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội./.
GV: Vũ Thị Hương