Bỏ đại học đi học nghề, có nên không? Và nên chọn nghề gì?
Ngày: 24/09/2020
Để chọn nghề, trước tiên dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Hiện nay và sắp tới, các ngành CNTT, nhóm ngành cơ khí, nhóm ngành điện – điện tử, nhóm ngành dịch vụ, logictics... nhu cầu nhân lực rất lớn.
Thí sinh Việt Nam trong “Hội thi tay nghề thế giới tại” Kazan – L.B.Nga năm 2019 - Ảnh Thanh Bằng
"Tôi thấy rằng có ba bằng nhiều khi không bằng một chứng chỉ nghề nghiệp. Nhiều người hay học thêm để có bằng này bằng kia nhưng không dùng được"
Ông Lê Quân (thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH)
Diễn đàn Bỏ đại học (ĐH) đi học nghề, chuyện lạ? trên Tuổi Trẻ thu hút đông đảo ý kiến của bạn đọc là học sinh, sinh viên, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục, quản trị nhân lực.
Những ý kiến này gặp nhau ở quan điểm: hãy để giới trẻ lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân mình.
Tạm khép lại diễn đàn, ông LÊ QUÂN - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - trao đổi thêm một số gợi mở cho người học và cả hệ thống đào tạo nghề để cụ thể hóa những giấc mơ nghề nghiệp.
Ông Quân nhấn mạnh việc phải hướng nghiệp để giới trẻ không những chọn được công việc phù hợp, có thu nhập mà còn có cơ hội học tập, phát triển tiếp.
Định hướng nghề nghiệp rất yếu
* Từng giảng dạy ở ĐH, ông nhận thấy đâu là vấn đề sinh viên thường gặp phải trong chọn lựa nghề nghiệp của họ?
- Nhiều sinh viên học chỉ để làm sao đạt kết quả thi môn nào điểm tốt môn đó. Sinh viên rất thiếu định hướng, hiểu rất lơ mơ ra trường sẽ làm việc gì, việc đó cần năng lực gì, phải tập trung ưu tiên những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng gì để có cơ hội nghề nghiệp tốt. Kế hoạch học tập gắn với kế hoạch nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Tất nhiên hệ quả này không phải tất cả thuộc về phía sinh viên, mà là có một phần từ hệ thống giáo dục. Từ đó dẫn đến tình trạng xã hội đang cần người làm công việc này thì trường dạy nội dung khác, sinh viên tốt nghiệp làm không đúng chuyên môn đào tạo.
Đây là lãng phí có thể tránh nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn đến hướng nghiệp, chọn nghề. Để phát triển một thị trường lao động năng động, linh hoạt, chất lượng cao thì người lao động phải được định hướng nghề nghiệp tốt, có khả năng thích ứng nhanh.
Ông Lê Quân - Ảnh: NAM TRẦN
* Trong bối cảnh tâm lý vào ĐH, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn nặng nề như hiện nay thì cần lưu ý những gì trong công tác định hướng nghề nghiệp, thưa ông?
- Phải thiết kế và truyền thông cho người dân biết về danh mục ngành nghề trong xã hội. Chẳng hạn như ngành nghề đó làm những công việc cụ thể gì, yêu cầu ra sao, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ thế nào, cơ hội phát triển sau này, cơ hội để thăng tiến trong lộ trình công danh nghề nghiệp của ngành nghề đó ra sao...
Bên cạnh đó phải làm cho từng người dân biết được rằng muốn làm việc này thì ở đâu học tốt, dạy tốt. Khi đó, mỗi người trong xã hội mới có sự lựa chọn tốt cho nghề nghiệp.
Vừa qua, chúng tôi đã cho ra mắt ứng dụng Chọn nghề trên thiết bị di động, trong đó mô tả chi tiết vài trăm nghề và địa chỉ đào tạo. Tiến tới, chúng ta sẽ cần phát triển từ điển mở về nghề nghiệp.
Nhu cầu nhân lực có kỹ năng rất lớn
* Nếu một bạn trẻ hay phụ huynh gặp ông nhờ tư vấn vì vẫn băn khoăn không biết có nên chọn học nghề, ông sẽ nói gì?
- Lựa chọn ngành nghề trước tiên dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Tôi xin kể câu chuyện để thêm thông tin cho bạn trẻ, phụ huynh. Đó là đi hội thảo, hội nghị ở các địa phương, tôi hay hỏi những bạn trẻ đang phục vụ tại đó học ở đâu ra.
Rất buồn là nhiều bạn cho biết từng học ĐH này, ĐH kia nhưng giờ lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Rất ít các bạn trong số này được đào tạo về nhà hàng, khách sạn, du lịch. Trong khi đó, cũng tại các nơi đó, những bạn khác làm pha chế, nấu ăn có chứng chỉ nghề có mức lương cao hơn 3-5 lần mà không có người để tuyển.
* Những ngành nghề nào hiện nay và trong tương lai sẽ cần nhiều lao động ở nước ta, thưa ông?
- Hiện nay và sắp tới, nước ta có rất nhiều ngành nghề nhu cầu nhân lực lớn như CNTT, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, y tế, du lịch, dịch vụ, logictics, hậu cần kinh doanh... và rất nhiều lĩnh vực khác. Riêng các ngành du lịch, CNTT, logistics... mỗi năm cần hàng trăm ngàn lao động.
Bên cạnh đó, nhu cầu để xuất khẩu lao động hằng năm hàng trăm ngàn người. Các nước có nhu cầu nhân lực rất lớn nên mở cửa cho lao động nước ngoài. Chỉ cần có ngoại ngữ, kỹ năng là có việc làm tốt.
* Việc đào tạo của các cơ sở giáo dục hiện có đáp ứng được nhu cầu nhân lực như ông vừa nói không?
- Hiện nay, do áp lực tự chủ nên nhiều trường phải tăng quy mô đào tạo để tăng thu. Ngân sách nhà nước hạn chế, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư tài chính cho trường, nên nguồn thu chủ yếu các trường dựa vào học phí.
Hiện tượng chạy theo quy mô đào tạo, mở các ngành nghề không đòi hỏi đầu tư nhiều đang khá phổ biến. Năng lực đào tạo thực hành của các trường thấp. Tình trạng đó dẫn đến nguy cơ mất cân đối về nhân lực. Tình trạng làm trái ngành nghề, thất nghiệp cơ cấu... có nguy cơ gia tăng, gây lãng phí cho xã hội.
* Còn nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo nghề ở địa phương hiện nay chưa được chú trọng, ông nghĩ thế nào?
- Các địa phương có xu hướng ưu tiên đầu tư cho giáo dục phổ thông. Đầu tư cho dạy nghề còn rất thấp và ít được ưu tiên. Tại nhiều địa phương, xếp hạng giáo dục phổ thông rất cao nhưng chất lượng lao động trên tỉnh lại thấp.
Ví dụ, thật đáng suy nghĩ khi thu ngân sách từ du lịch của các tỉnh miền Trung ngày càng lớn nhưng ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch lại thấp và tăng chậm.
Trong khi đó, nhân lực ở các nhà hàng, khách sạn khu vực này hầu hết làm trái ngành nghề và thiếu kỹ năng. Doanh nghiệp nào tuyển về đào tạo lại thì chất lượng nhân lực tốt hơn.
Doanh nghiệp nào không đào tạo, có đâu dùng đó thì khách hàng thường xuyên không hài lòng. Khi chúng ta không có chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng về ứng xử của lao động thì chúng ta sẽ không "cất cánh" được.
2 thách thức gây lãng phí rất phổ biến
* Thách thức lớn nhất của thị trường lao động hiện nay là gì, thưa ông?
- Thứ nhất, hiện nay chúng ta có phần lớn việc làm có chất lượng thấp, có rủi ro thất nghiệp cao trong bối cảnh công nghệ thay đổi. Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo của chúng ta cao, đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo lại.
- Thứ hai, rất đông người lao động đảm nhận các công việc không thuộc chuyên môn được đào tạo, làm công việc đòi hỏi chuyên môn thấp hơn. Tức là bằng cấp thì cao nhưng công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn. Thực tế đáng buồn tại nhiều nơi tuyển dụng người có bằng cử nhân để làm một công việc đòi hỏi trình độ CĐ nhưng trả lương ở trình độ trung cấp. Như vậy là lãng phí! Nguồn: Tuổi trẻ Online